Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm GDQP&AN

PHÁT HUY VAI TRÒ, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh tại các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đã khẳng định được vai trò của mình bằng chất lượng, hiệu quả hoạt động. Điều đó góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.
Hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây gọi tắt là trung tâm) được thành lập theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ1. Đến nay, cả nước theo qui hoạch có 62 trung tâm (42 trung tâm thuộc nhà trường quân đội, 20 trung tâm thuộc cơ sở giáo dục đại học); trong đó 30 trung tâm thuộc trường quân sự các quân khu, trường quân sự tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục đại học đã đi vào hoạt động. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các trung tâm đã quán triệt, cụ thể hóa Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về giáo dục quốc phòng và an ninh sát với tình hình thực tiễn; đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, chủ động khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên. Hằng năm, các trung tâm đã tiến hành giáo dục quốc phòng và an ninh cho khoảng 28 vạn đến 32 vạn sinh viên (chiếm trên 35% tổng số sinh viên); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho khoảng 3,5 vạn cán bộ, công chức, viên chức quản lý (đối tượng 2, đối tượng 3). Việc tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh tại các trung tâm đã khắc phục được tình trạng huấn luyện riêng lẻ, khép kín trong từng cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm cho sinh viên được học tập, rèn luyện gắn liền với môi trường quân đội, cùng các loại vũ khí, khí tài quân sự và hệ thống thao trường, bãi tập sát thực tế; đồng thời, thống nhất được nội dung, chương trình giảng dạy, phát huy kỹ năng, kinh nghiệm huấn luyện quân sự của đội ngũ giáo viên, giảng viên là cán bộ quân đội.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trung tâm còn thiếu, kiến thức toàn diện về quốc phòng, an ninh cũng như phương pháp, kỹ năng sư phạm, trình độ chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục. Việc quy định tổ chức, hoạt động của các trung tâm chưa đồng bộ, thống nhất; đầu tư xây dựng một số trung tâm chưa bảo đảm tiến độ; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù của môn học. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, giáo viên, sinh viên về vị trí, vai trò của môn học chưa đầy đủ,… nên công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh ở các trung tâm vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các trung tâm, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Chất lượng, kết quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở các trung tâm và cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, các trung tâm cần tăng cường quán triệt các văn bản, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 (khóa X) của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh,… làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kịp thời những kiến thức, thông tin mới về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh hiện nay. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, tích cực đổi mới tư duy trong tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh với hình thức, biện pháp sáng tạo, hiệu quả; khắc phục dứt điểm tình trạng khoán trắng cho các khoa, bộ môn và biểu hiện xem nhẹ môn học của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên và sinh viên. Các trung tâm cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa để củng cố kiến thức, giáo dục truyền thống đấu tranh của dân tộc, giúp người học nhận thức đúng đắn trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trung tâm. Trên cơ sở Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Quyết định 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH,  ngày 05-11-2015 của Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội về “Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học”, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các trung tâm đã được phê duyệt theo quy mô, lưu lượng sinh viên trong khu vực đảm nhiệm; chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên cơ hữu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng trung tâm. Các trung tâm cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng sớm hoàn thiện tư cách pháp nhân để có đủ điều kiện cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.
Để đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục, các trung tâm cần chủ động xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên cả trước mắt và lâu dài theo hướng “chuẩn hóa, trẻ hóa”, đảm bảo cân đối về cơ cấu độ tuổi, trình độ học vấn và kinh nghiệm giảng dạy, có sự kế thừa, vững chắc. Trước mắt, các trung tâm chủ động rà soát, có kế hoạch cử đi đào tạo một số ngành đối với các giáo viên còn thiếu tiêu chí đạt chuẩn, thay thế giáo viên kiêm nhiệm. Với các trung tâm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, cần tạo nguồn tuyển mới đội ngũ cán bộ, giáo viên để dần thay thế đội ngũ sĩ quan biệt phái. Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cần phối hợp, hoàn thiện nội dung, chương trình, tăng chỉ tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học, bổ sung cho các trung tâm và các trường. Cùng với tuyển chọn, kiểm soát chất lượng nguồn đầu vào và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, các trung tâm căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc thù hoạt động của mình để xây dựng hệ thống kỹ năng sư phạm cần thiết; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, hoạt động phương pháp, dự giờ, bình giảng, hội giảng để đội ngũ cán bộ, giáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Mặt khác, các trung tâm chủ động liên kết với các khoa, bộ môn của nhà trường trực thuộc hoặc các trường đại học, cao đẳng trong khu vực để tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ba là, quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm, bảo đảm cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học. Hiện tại, các trung tâm thuộc nhà trường Quân đội có thuận lợi là sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, vật liệu nổ quân dụng, thao trường, bãi tập, trường bắn của đơn vị chủ quản, trong khi phần lớn số trung tâm còn lại khó khăn về vấn đề này nên thường phải liên kết, phối hợp với các đơn vị Quân đội trên địa bàn để huấn luyện thực hành. Theo lộ trình đến năm 2020, cả nước sẽ thành lập đủ các trung tâm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh cho khoảng 01 triệu sinh viên (đạt 90% tổng số sinh viên đại học, cao đẳng); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho trên 90% cán bộ đối tượng 2 và đối tượng 3. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần bảo đảm kịp thời ngân sách, kinh phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các trung tâm, nhất là hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập; từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị dạy học. Bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước, các trung tâm cần chủ động khai thác, huy động các nguồn lực khác để củng cố, nâng cấp thao trường, bãi tập; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đồng thời, chú trọng bảo đảm giáo trình, tài liệu theo đúng quy định.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, nâng cao chất lượngliên kết giáo dục quốc phòng và an ninh giữa các trung tâm với các trường cao đẳng, đại học. Đây là hoạt động đặc thù của các trung tâm, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, rèn luyện sinh viên tập trung theo nếp sống chính quy trong môi trường quân đội. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quân sự, tạo hứng thú cho người học, nâng cao ý thức về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ. Để nâng cao chất lượng liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh, các trung tâm cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết. Hằng năm, trước khi vào năm học, các trung tâm cần tổ chức hội nghị liên kết đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh để nghe ý kiến của các trường liên kết đánh giá chất lượng giáo dục – đào tạo của năm trước; thống nhất nội dung, chương trình, thời gian liên kết năm học tới; nắm phản hồi của sinh viên sau khi được học tập, rèn luyện tại trung tâm. Đối với các trường liên kết, cần cung cấp đầy đủ, thường xuyên danh sách sinh viên các khóa học, trình độ đào tạo, cùng tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh cho mỗi khóa. Trên cơ sở đó, các trung tâm xây dựng kế hoạch năm học, xác định rõ thời gian cho từng trường và gửi kế hoạch, nội quy để các trường phổ biến, quán triệt cho sinh viên, nhất là thời gian, quy chế, quy định trước khi về các trung tâm học tập. Ngoài ra, các trung tâm còn phải phối hợp với các trường liên kết nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo để có phương pháp giảng dạy, quản lý phù hợp, hiệu quả với từng chuyên ngành; thường xuyên trao đổi kết quả học tập, rèn luyện của từng sinh viên; tổ chức chặt chẽ việc giao, nhận sinh viên và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong khóa học.
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta và là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Vì vậy, cần phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh để nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá LÊ THANH TRÌ, Trung tá LÊ MINH ĐẠT
_______________

1 – Quyết định 638/QĐ-TTg, ngày 21-5-2009 về “Phê duyệt Đề án thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009 – 2015 và những năm tiếp theo”; Quyết định 412/QĐ-TTg, ngày 10-4-2012 về “Phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng – an ninh sinh viên giai đoạn 2011 – 2015”; Quyết định 161/QĐ-TTg, ngày 30-01-2015 về “Phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo”.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân
 

Phân loại: