Tăng cường GDQP&AN cho học sinh, sinh viên

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là nội dung học tập đặc thù trong các nhà trường, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, công tác này càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
        Trước yêu cầu cao của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, thông qua việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, Chương II của Luật quy định rõ: giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình; trong trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa. Đây là một bước tiến quan trọng về lập pháp, cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng – an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
         Quán triệt, triển khai Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Quyết định 1911/QĐ-TTg, ngày 18-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai ban soạn thảo đổi mới chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục quốc phòng và an ninh ở các cấp học: trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Theo đó, nội dung, chương trình đã được tăng cường kiến thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia, kỹ năng quân sự phân cấp rõ ràng, tăng thời gian thực hành, v.v. Thông qua môn học, học sinh, sinh viên đã nhận thức đầy đủ hơn quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, có nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; có kỹ năng quân sự cần thiết để phát triển nhân cách toàn diện, tự giác, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn những tồn tại, hạn chế do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức chưa được coi trọng đúng mức. Đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng so với yêu cầu của môn học; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập chưa đầy đủ; chất lượng môn học ở một số trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học còn hạn chế, v.v.
         Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục – đào tạo cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh trong toàn ngành Giáo dục để thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
         Một là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy của môn học phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù, đã được luật hóa, có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu, yêu cầu môn học ở từng cấp học, trình độ đào tạo, nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình, đảm bảo tính liên thông, không trùng lặp, có sự phân cấp rõ ràng, phù hợp với ngành nghề đào tạo của sinh viên. Trong đó, cần bổ sung thêm một số nội dung phần lịch sử Việt Nam cận đại, những bài học lịch sử, gương hy sinh anh dũng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Đồng thời, cung cấp cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, kiến thức về Luật Biển Việt Nam, Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và một số điều ước, v.v. Đối với nội dung thuộc về kỹ năng quân sự, cần được đổi mới theo hướng quy định từng nội dung huấn luyện cụ thể cho từng cấp học, gắn với vị trí, chức vụ nhất định trong Quân đội nhằm tránh sự trùng lặp. Mặt khác, do tính chất đặc thù của môn học nên việc xây dựng chương trình, nội dung, thời gian phải phù hợp với sự phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự, tiến trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong tình hình mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành chương trình khung về giáo dục quốc phòng và an ninh, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quá trình phát triển; đồng thời, quy định nội dung, hình thức tổ chức thực hiện môn học từ bậc tiểu học đến đại học. Chương trình trước đây chủ yếu đi sâu về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh; do đó, để phù hợp điều kiện chiến tranh hiện đại, chương trình mới cần được xây dựng theo phân nhóm các chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo, như: kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn,… tương ứng với lĩnh vực, chuyên môn hoạt động của các quân chủng, binh chủng và binh chủng hợp thành trong Quân đội, nhằm phát huy năng lực, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người học.
         Đổi mới, có phương pháp giảng dạy khoa học sẽ giúp học sinh, sinh viên hăng say học tập, bộc lộ tài năng quân sự, làm cơ sở phát hiện, tuyển chọn, tạo nguồn nhân lực cho xây dựng lực lượng vũ trang, coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy môn học, đặc biệt chú ý đến những nội dung hoạt động đặc thù của lĩnh vực quân sự; giảm thời gian dạy lý thuyết, tăng thời gian học thực hành kỹ năng quân sự, kết hợp với tham quan thực tế tại các đơn vị sẵn sàng chiến đấu của quân chủng, binh chủng gắn với ngành học của học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên trưởng thành toàn diện, tự tin, có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
         Hai là, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đảm bảo số lượng, chất lượng.Để xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu môn học, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh1. Phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở mã ngành đào tạo cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh, kết hợp chiêu sinh, cử tuyển đào tạo văn bằng 2; đồng thời, lựa chọn, giao chỉ tiêu đào tạo cho các sở giáo dục và đào tạo có đủ điều kiện. Để thu hút thí sinh đăng ký tuyển sinh đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn như học viên đào tạo sĩ quan; khi ra trường được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị, ưu tiên tuyển dụng, v.v. Về lâu dài, để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh yên tâm, gắn bó với công việc, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, trước mắt thực hiện Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC, ngày 16-7-2015 của liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tài chính về quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tăng cường sĩ quan biệt phái cho các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, trường đại học, cao đẳng còn thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
         Ba là, chú trọng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Căn cứ Quyết định 1911/QĐ-TTg, ngày 18-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng đẩy nhanh việc ban hành Thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học và bộ mẫu thiết bị tối thiểu môn học giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học (thay thế Thông tư 33/2009/TT-BGDĐT, ngày 13-11-2009), để làm cơ sở triển khai thực hiện thống nhất. Mặt khác, giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học có tính đặc thù, đòi hỏi phải có hệ thống phòng học, giảng đường chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn phù hợp và đầy đủ giáo trình, tài liệu, quân trang cho sinh viên, v.v. Do đó, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm, tích cực phối hợp bảo đảm ngân sách kịp thời. Các nhà trường và cơ sở giáo dục chủ động khai thác nguồn ngân sách trên cấp và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học, nâng cấp giảng đường, thao trường, đáp ứng yêu cầu của môn học. Cùng với đó, sớm triển khai thực hiện Thông báo 97/TB-VPCP, ngày 06-3-2014 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất không thu học phí môn học và tiền ăn của sinh viên trong quá trình học tập tập trung.
         Để nâng cao chất lượng môn học, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với các loại vũ khí, khí tài sát thực tế chiến đấu, rèn luyện bản lĩnh, ý chí, thành thạo kỹ năng quân sự, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng thống nhất nghiên cứu, đề xuất cải hoán các loại vũ khí, khí tài cấp 5 đã qua sử dụng để từng bước trang bị cho các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS, NGND. NGUYỄN THIỆN MINH
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng – Bộ Giáo dục và Đào tạo
___________________

1 – Quyết định 472/QĐ-TTg, ngày 12-4-2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng – an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010 – 2016”; Quyết định 607/QĐ-TTg, ngày 24-4-2014 về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”.
Nguồn: Tạp chí quốc phòng toàn dân
 
Phân loại: